GIỚI THIỆU CHUNG
Vị trí: Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đặc điểm: Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Nhìn trên bản đồ, Hồ Tây có hình giống như chiếc càng cua, nơi bán đảo nhô ra mặt nước, mỏm xa nhất, đẹp nhất, quanh năm dập dềnh sóng nước, êm ả mây trời, lảng bảng sương lam. Đây chính là nơi tọa lạc của Phủ Tây Hồ hay còn gọi là Phủ Mẫu Tây Hồ.
Tục truyền rằng: bà chúa Liễu Hạnh tên thật là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu. Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì nàng không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.
(ảnh)
Phủ Tây Hồ có quy mô không lớn lắm, nhưng ở vào vị trí mây nước hữu tình tuyệt đẹp, tạo ra cảm giác lâng lâng, thanh thoát cho khách hành hương mà trong lòng mang niềm tục lụy cần được giãi bày, cảm thông và giải tỏa. Phủ thờ Ngọc Hoàng Thượng đế có Nam Tào Bắc Đẩu hầu hai bên, có tam Mẫu, đệ nhất là Mẫu Liễu Hạnh, đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn, đệ tam là Mẫu Thoải (tức là bà Chúa rừng và Bà chúa nước).
Vào đến sân, qua cái cổng có vòm cong, thấy ngay cây vối cổ thụ nằm nghiêng đã mấy trăm năm như con kỳ lân ngóng ra sóng gợn, còn trong phủ là vàng son, nhang khói, tượng Mẫu, tượng Bà Chúa Sơn Trang, tượng Cô, tượng Cậu, các quan…
(ảnh)
Đến Phủ, không những là để tỏ lòng thành kính, thực hiện một ý nguyện cầu xin và giải tỏa nỗi niềm, thực hiện một nghi thức tâm linh… mà còn là để thư giãn tinh thần, thăm một cảnh đẹp, có nước mây thoát tục, một danh thắng hiếm có ngay giữa lòng Thủ đô Kẻ Chợ, gặp một chút xưa giữa nay, và tạm lắng nay lại để man mác cùng xưa, ru hồn mình vào mong ước tốt đẹp.
Cũng không hiểu từ đâu và từ bao giờ, trên đường vào Phủ và ngay trước cổng, mọc lên hàng trăm quán hàng ăn uống và các thứ hàng mua bán khác, trong đó có món ăn Hà Nội: bún ốc. Nói đến Phủ, người ta nghĩ ngay đến bún ốc quá quen, cũng như nói đến bún ốc, người ta hỏi nhau ngay: Phủ Tây Hồ chăng? Đã hình thành một dãy phố dài ngay trên bán đảo, trước khi dẫn đến nơi đất thiêng này. Nó chẳng khác nào miếng vá trên tấm áo thiên tiên, cần u huyền thanh tao cho tâm linh bay bổng, nhưng lại níu kéo về mặt đất.
(ảnh)
Vào các ngày 7-8-9 tháng 3 âm lịch và những ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, không chỉ những người Hà Nội, mà khách hành hương từ nhiều nơi khác cũng kéo nhau về, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều an lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình hồ Tây.
LỊCH MỞ CỬA PHỦ TÂY HỒ
Phủ Tây Hồ mở cửa từ 5 giờ sáng đến tầm 7 giờ tối. Vào những ngày lễ, rằm, phủ sẽ đóng cửa muộn hơn vì rất đông người tới dâng hương tại phủ. Đặc biệt vào ngày 13 tháng 8 và mồng 3 tháng 3 âm lịch, ngày lễ bà chúa Liễu Hạnh, phủ chật kín kẻ vào người ra để cúng lễ cầu may mắn, an bình.
PHƯƠNG TIỆN ĐI ĐẾN PHỦ TÂY HỒ
Để đi đến Phủ Tây Hồ bạn có thể:
ĂN GÌ KHI ĐẾN PHỦ TÂY HỒ?
(ảnh bún ốc Tây hồ)
Bún ốc Tây Hồ là món ngon nổi tiếng ở Hà Nội. Bát bún đầy đặn với những con ốc to tròn, béo ngậy; thêm chút riêu, bò, giò, đậu cùng với nước dùng đậm đà, ngọt từ xương, thanh mát vốn có của ốc; pha thêm chút chua, thơm của cà chua, giấm,... Các hàng trên đường vào phủ bán nhiều, một bát đầy đủ có giá 30.000 đồng.
(ảnh Bánh tôm)
Bánh tôm Tây Hồ có một hương vị rất đặc trưng. Nhân bánh là con tôm khá to, vừa chín tới, màu hồng lựu nằm trên mặt chiếc bánh vàng ươm, giòn tan. Vị tôm ngọt, thơm cộng với cái giòn và ngậy của bánh, chấm với nước mắm chua cay, phảng phất hương cà cuống. Giá một suất bánh tôm là 60.000 đồng.
(ảnh bánh rán mặn)
Bánh rán mặn Võng Thị có vỏ mỏng, giòn, nhân nhiều thịt, thơm mùi nấm hương, được ăn với nước chấm đu đủ xanh không tạo cảm giác ngấy. Mỗi người đến đây chỉ cần ăn 2 chiếc bánh rán là đủ no. Giá của mỗi chiếc là 7.000 đồng. Ảnh: Suri Dinh.
(ảnh bánh giò)
Bánh giò Tây Hồ được bán nhiều ở phố Thụy Khuê, được đánh giá là rất to và ngon. Bánh giò mềm, nhân nhiều thịt và thơm nức, được ăn cùng với chả cốm, giò và dưa góp cho bớt ngấy. Mỗi suất bánh giò đầy đủ có giá 25.000 đồng.
(ảnh ốc)
Ốc cũng là món khá đắt hàng tại Tây Hồ, được bán nhiều trong ngõ Xưởng Phim, Thụy Khuê. Nước mắm được pha hơi ngọt, thơm vị cay nồng của gừng, sả, ớt cùng hương lá chanh thái sợi rất kích thích. Ốc được chọn kỹ, con nào con nấy dày thịt, giòn sật. Ngoài ốc luộc, ở đây còn có ngao xào, trứng cút xào me, khoai lang kén,… đáng để lựa chọn. Với 150.000 đồng là bạn đã có một bữa no nê cho 2 người ăn.
(ảnh nem nướng)
Nem nướng là món được bán nhiều ở phố Yên Phụ. Đông và ngon nhất là quán nem nướng Yến Béo. Nem nướng ở đây thơm, mềm chấm với tương ớt. Có 2 loại là nem nướng chua và nem nướng ngọt. Ngoài ra, còn có cả bánh mì nướng mật ong, thịt xiên nướng, cá bò,… cho bạn lựa chọn. Giá của mỗi chiếc nem nướng là 5.000 đồng.
KHÁCH SẠN QUANH PHỦ TÂY HỒ
MẶC GÌ KHI ĐẾN PHỦ TÂY HỒ
Phủ Tây Hồ là nơi thờ cúng linh thiêng, vì thế du khách đến đây nên mặc chỉn chu, lịch sự, tránh mặc váy quá ngắn hay những loại áo như áo hai dây, sát nách,...
Nguồn tin: travel360.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn